Hướng dẫn nuôi mèo hiệu quả, tham khảo ngay một số kinh nghiệm cho những ai mới nuôi mèo! Thông tin mới nhất cập nhật 2024
#1. Tính toán chi phí trước khi đón bé mèo mới về
Đây là bước cực kỳ quan trọng, chính là để xác định xem bạn sẽ cần phải chi những khoản này khi có một chú mèo mới ở nhà.
Ngoài thức ăn hàng ngày, các bạn cũng sẽ cần phải tính toán cả chi phí mua vật dụng cố định như chậu cát, bát thức ăn uống, thuốc trị ve rận, lược chải lông mèo…
Trung bình 1 tháng bạn sẽ mất ít nhất 500.000VND để mua thức ăn và vệ sinh bé thường xuyên. Tham khảo thêm thông tin về chi phí nuôi mèo ngay!
Xem thêm: Cách chăm sóc mèo con
#2. Triệt sản, tiêm vacxin ngay khi đón mèo
Đây là bước cực kỳ quan trọng để đảm bảo rằng bé mèo nhà bạn không mắc các bệnh nguy hiểm hoặc truyền nhiễm tới người. Những ai đã nuôi thú cưng, tốt nhất hãy nhốt mèo mới trong một thời gian ngắn (từ 3-5 ngày) trước khi nhập đàn, để đảm bảo rằng bé không mắc bất cứ bệnh lý nguy hiểm gì, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của cả đàn.
Hãy yêu cầu chủ cũ hoặc trạm cứu hộ động vật cung cấp sổ ghi chú ngày tiêm vắc xin (nếu không có, tốt nhất các bạn nên cho bé tiêm lại).
Để kiểm tra xem các bé đã được triệt sản hay chưa, hãy để ý vết mổ ở bụng bé (Ảnh phía dưới).
Xem thêm: Triệt sản mèo là gì
#3. Tạo thói quen cơ bản cho bé ngay khi mới đón về
Dưới đây là một số thói quen các bạn nên tạo ngay khi đón mèo mới về:
- Dạy mèo đi vệ sinh (Xem tiếp bài viết để hiểu cách làm)
- Thường xuyên vuốt ve, âu yếm
- Giúp các bé làm quen với đồ chơi
- Khen thưởng sau khi huấn luyện bằng đồ ăn vặt
- Hạn chế cắn phá đồ đạc bằng các hành động dứt khoát dễ hiểu.
- Dạy bé đi lại và làm quen với các ngóc ngách trong nhà
- Chải lông hàng tuần, để xử lý lượng lông rụng
- Cắt móng thường xuyên
Quá trình phát triển của mèo con rất thú vị, nhưng cũng sẽ đòi hỏi các con sen phải chăm chỉ và dạy bé, để đảm bảo rằng bé có thể làm quen và phát triển và sống khoẻ mạnh nhất.
#4. Tạo thói quen vệ sinh cho mèo
Tạo thói quen vệ sinh cho mèo con chắc chắn là một trong những điều khá khó khăn, bởi các bé khi lạ nhà, chắc chắn sẽ đi bậy lung tung.
Hãy cắt 1 ít lông phần mông, sau đó vùi vào chậu cát, nhốt bé và chậu cát vào chuồng trong vòng từ 1-2 ngày. Bé sẽ tự khắc đi vệ sinh vào chậu. Tuy nhiên bạn không nên vui sướng vội, vì bé vẫn sẽ đi bậy nếu chưa được luyện thành thói quen.
Hãy đảm bảo bạn luyện thói quen cho bé ít nhất trong 1 tuần, và quan trọng nhất là bạn phải ‘vững lòng’ không được kết thúc thời gian này sớm.
Hãy thay cát hàng ngày, đảm bảo rằng chỗ vệ sinh của bé luôn sạch sẽ, cũng chính là cách để khuyến khích bé luôn đi vào chậu cát.
Hãy cắt móng tay cho mèo thường xuyên để tránh các bé cào đồ, phá hỏng đồ đạc trong nhà.
#5. Lựa chọn giống mèo phù hợp với thói quen sinh hoạt
Rất nhiều người đã mắc sai lầm và nuôi một chú mèo hoặc chó năng động, yêu thích sự chú ý hoặc thích được tương tác với chủ, trong khi đó bạn lại quá bận để có thể chăm sóc và để ý bé thường xuyên.
Lời khuyên ở đây chính là hãy lựa chọn giống mèo phù hợp với thói quen sống, cũng như thời tiết ở Việt Nam. Ví dụ như: Mèo Anh lai Ta hiện đang rất phổ biến ở Việt Nam, vì mèo Anh có lông dày hơn, nhưng lại ngắn, dễ lau dọn, cũng như các bé mèo Anh thường rất lười, thích nằm ngủ và có thể tự chơi một mình, không cần quá nhiều sự chú ý từ chủ.
Ngược lại, các giống mèo có lông dài hơn như mèo Anh Lông dài hay mèo Ba Tư lại khá không phù hợp, bởi rất khó để vệ sinh cho bé thường xuyên, cũng như tiềm ẩn nhiều loại bệnh lý, nhất là trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam.
Lời khuyên ở đây chính là, không nhất thiết bạn phải nuôi mèo thuần chủng, mà hãy ‘lai’ Ta một chút để bé khoẻ mạnh và dễ thích nghi với khí hậu hơn nhé!
#6. Tạo giờ giấc sinh hoạt cho mèo
Tương tự như trẻ con, đây là điều cực kỳ quan trọng, để đảm bảo rằng mèo có giờ sinh hoạt phù hợp với bạn, cũng như để có sức khoẻ tốt nhất.
Dù rất nhiều người nói rằng mèo là loài vật hoạt động về đêm, nhưng kinh nghiệm của tôi chính là, giờ sinh hoạt của các bé vẫn sẽ có thể thay đổi và điều chỉnh nếu bạn kiên nhẫn.
Do đó, hãy đảm bảo rằng, các bé đã thời gian cố định để:
- Đi vệ sinh (Đi nặng và tiểu tiện)
- Giờ ăn hạt khô
- Giờ ăn pate
- Giờ uống thuốc (nếu có), vệ sinh tai hoặc răng miệng riêng
Để làm được việc này, cũng cần con sen có một thời gian nhất định chăm sóc mèo. Ví dụ như:
- Đảm bảo một ngày thay 2 cữ nước, thay hạt, cho ăn pate hoặc chăm sóc bé vào giờ cố định
- Ngủ đúng giờ (Những ngày đầu khi các bé còn nghịch khi bạn ngủ, hãy nói dứt khoát, hoặc quát bé 1-2 câu, để bé hiểu rằng đây sẽ là giờ cố định bạn đi ngủ. Lâu dần thành quen, sau đó có thể bé sẽ không ngủ, nhưng bé sẽ ‘nhẹ chân’ và không quấy phá lung tung).
- Mở rèm sớm, có giờ sinh hoạt đúng giờ.
#7. Lựa chọn thức ăn phù hợp cho độ tuổi của bé
Hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều loại thức ăn cho mèo, tuy nhiên thường sẽ được chia ra thành 3 loại như sau:
- Thức ăn cho mèo con dưới 1 tuổi: Cần lưu ý rằng tốt nhất hãy cho các bé mèo con dưới 6 tháng ăn thức ăn ướt để có lợi cho đường tiêu hoá, và dần cho các bé ăn hạt từ tháng thứ 6 đến tháng 11. Mèo con cần rất nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên hãy giảm bớt ngay sau khi bé tròn 1 tuổi để tránh béo phì nhé.
- Mèo trên 1 tuổi thường sẽ phù hợp với các loại thức ăn cho mèo trưởng thành, với phần hạt lớn hơn, lượng đạm ổn định và ít dinh dưỡng hơn, tránh béo phì, bởi mèo vốn là loài động vật ít vận động
- Mèo già trên 3 tuổi thường sẽ bắt đầu gặp các vấn đề về đường tiết niệu, một phần do thời gian ăn hạt dài trước đó. Do vậy, hãy lựa chọn các loại hạt dành tốt cho đường tiết niệu của mèo nhé. Hãy cho mèo ăn pate và thức ăn ướt thường xuyên hơn khi bé bước vào độ tuổi thứ 5.
Bí kíp ở đây chính là nuôi mèo theo lứa, bé sau cách bé trước 6 tháng để không bị mâu thuẫn trong chế độ ăn, nếu bạn có ý định chăm sóc 2 bé trở lên.
#8. Dành thời gian chơi đùa, chăm sóc mèo
Tuy không cần quá nhiều chú ý như chó, nhưng mèo vẫn thích được chăm sóc, vuốt ve, ôm ấp và được thể hiện tình cảm. Điều này không cần phải diễn ra quá thường xuyên (Nhất là khi mèo vốn rất thích ngủ và không thích bị ai nhòm ngó), nhưng hãy nhớ để ý cưng nựng, vệ sinh tai, mắt cho bé mỗi tuần 2 lần, để thể hiện sự quan tâm của bạn đến bé nhé!
Không như nhiều người nghĩ, mèo tuy bớt vồ vập, nhưng rất quấn chủ, bé sẽ rất nhớ bạn khi bạn chỉ cần quên không vuốt ve bé từ 2-3 hôm thôi đó!
#9. Cho bé đi khám bác sĩ định kỳ
Một số việc cần làm mỗi năm khi cho bé đi gặp bác sĩ:
- Cho bé tiêm vacxin hàng năm
- Vệ sinh tai, vệ sinh răng miệng
- Kiểm tra chức năng gan phổi, sức khoẻ định kỳ
Tạm kết
Trên đây là tổng hợp 9 hướng dẫn nuôi mèo dành cho người mới. Tốt nhất, hãy đón bé ngay từ khi bé còn bé (2-3 tháng tuổi), để dễ dàng gần gũi và chăm sóc bé tốt hơn!
Theo dõi kênh ngay để nhận thêm thật nhiều thông tin chăm sóc chó mèo hữu ích!